Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 “ổ” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP.
Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, các cơ quan đơn vị, các thôn trên địa bàn xã cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; tổ chức phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, luôn sẵn sàng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản và cuộc sống của nhân dân.
Thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính”. Tăng cường nắm, theo dõi sát tình hình để đề xuất các chủ trương chỉ đạo kịp thời.
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi có thiên tai, bão lụt, sự cố xảy ra, đề phòng tội phạm lợi dụng để trộm cắp tài sản nhà nước và nhân dân; huy động lực lượng dân quân tại chỗ, thành viên tổ dân phòng các thôn xuống tận nơi xảy ra sự cố để cùng xử lý, ứng phó, khắc phục hậu quả. Rà soát tất cả các loại phương tiện phòng chống thiên tai, lụt bão và cứu hộ, cứu nạn hiện có, đề xuất bổ sung kịp thời.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền. Củng cố hệ thống tuyên truyền ở Công an xã, sẵn sàng cơ động xuống tận nơi xảy ra thiên tai để ghi hình đưa tin, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh.
Để chủ động triển khai phòng, tránh, ứng phó hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do bão, lũ, thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Phúc Ninh hướng dẫn và đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện một số biện pháp sau:
I. Trước khi bão xảy ra:
1. Đối với các thôn trên địa bàn xã
- Tổ chức kiện toàn đội cứu hộ, cứu nạn của cấp thôn do đồng chí trưởng thôn làm đội trưởng
- Tiến hành họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đội cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai.
- Ở những vùng trọng yếu thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai, hướng dẫn các tổ tự quản, tổ dân phòng thông tin, tập hợp từ 10 -15 hộ dân để phân công phụ trách sẵn sàng tiến hành di dời, sơ tán khi cần thiết.
- Trực đội tìm kiếm cứu nạn 24 trên 24 thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình hình, diễn biến của thời tiết để thông báo cho nhân dân biết và kịp thời báo cáo cũng như yêu cầu hỗ trợ từ cấp trên.
- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động phương án ứng phó phù hợp không thụ động chờ chỉ đạo của cấp trên.
2. Đối với hộ gia đình
- Kiểm tra, rà soát các phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết đã có hoặc phải chuẩn bị thêm để đối phó với thiên tai.
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão, dự báo thời tiết qua hệ thống thông tin đại chúng.
- Bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; cắt tỉa cành cây,chặt cành cây to, cành khô xung quanh nhà và khu vực sinh hoạt.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa, xác định vị trí an toàn để trú ẩn; kiểm tra các thiết bị thông tin liên lạc như: điện thoại, đài radio, điện chiếu sáng, xạc điện thoại, pin dự phòng.
- Kiểm tra các phương tiện có thể vận chuyển người, tài sản, gia súc đến nơi an toàn khi có thông báo, hướng dẫn của chính quyền địa phương (xe máy, xe kéo, xe bò, thuyền, bè tre, bè chuối…). Chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng cửa sông để phòng nước dâng.
II. Trong thiên tai, bão lụt xảy ra:
1. Đối với các thôn trên địa bàn xã
- Trực tiếp chỉ huy lực lượng đã được phân công thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình xảy ra thiên tai, thảm họa
- Chỉ đạo đội xung kích tiếp cận các hộ gia đình có các đối tượng dễ bị tổn thương để di dời người, tài sản đến nơi tránh trú an toàn gần nhất theo phương án đã được phê duyệt.
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên báo cáo với cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo.
2. Đối với hộ gia đình
- Các thành viên trong gia đình hỗ trợ nhau ứng phó với thiên tai.
- Không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản;
- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật; Không trú tránh dưới các gốc cây, cột điện, vật dễ đổ..
- Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn không đi ra ngoài; không ở gần khu vực cửa sổ, cửa lớn tránh nguy hiểm. Tìm mọi cách để cập nhật thông tin về bão, lụt, thiên tai đang xảy ra.
- Không cho trẻ em chơi đùa gần khu vực nước lũ; người lớn tuyệt đối không ra sông vớt củi, đánh bắt cá khi nước lũ đang lên và dòng nước chảy mạnh.
- Thông tin kịp thời chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn. Chấp hành sự chỉ đạo của Chính quyền địa phương.
GiangLTH