ĐBQH Ma Thị Thúy: Nên tạo cơ hội cho người chưa thành niên khắc phục vi phạm, không để lại án tích

28/08/2024 - 10:55
30

Sáng 27-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào 12 dự án luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

img_20240827175810.jpgĐBQH Ma Thị Thúy phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý  vào Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quan tâm đến quy định xử lý chuyển hướng, ĐBQH Ma Thị Thúy nêu rõ, việc quy định xử lý chuyển hướng thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên. Bởi ở độ tuổi dưới 18 thì cả về thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý của người chưa thành niên đều chưa phát triển toàn diện, dễ bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

 "Xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện, mà không để lại án tích cho người chưa thành niên. Vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự", đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Việc xử lý chuyển hướng không nhằm đến việc áp dụng các chế tài có tính chất trừng phạt người vi phạm pháp luật mà chú trọng việc hòa giải và khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên gây ra. Qua đó, khuyến khích người chưa thành niên vi phạm pháp luật tự ý thức được và tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên là rất ít và hãn hữu.

Đại biểu Ma Thị Thúy dẫn chứng, từ năm 2019 đến tháng 6-2023, chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. "Thực tế trên xuất phát từ việc hoài nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng chế tài này thấy cơ chế thi hành không hiệu quả, nên thường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo", Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết.

Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, các hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân thủ như: bị áp dụng biện pháp thi hành án tạm thời; tăng thời hạn xử lý chuyển hướng; tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp. Trường hợp tuân thủ biện pháp xử lý chuyển hướng thì được xem xét giảm thời hạn xử lý chuyển hướng; cấp chứng chỉ chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng và miễn trách nhiệm hình sự, không tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.

Đại biểu cũng tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể tại Điều 2, nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên; Điều 4 về giải thích từ ngữ; Điều 8 về quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Điều 17 về bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png         

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚC NINH                                                                                                                                              

Giấy phép xuất bản số: 
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Duy Tấn - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Ninh
Trụ sở: Thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 0968 191 118

Email: ntan.pn@gmail.com
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang